Nội soi khớp gối điều trị đứt dây chằng chéo trước 

Huyền Đậu

1. Dây chằng chéo và chấn thương dây chằng chéo là gì?

Khu vực đầu gối là một khu vực rất phức tạp với sự kết nối của hai xương và các cơ lớn. Trong đó, hai xương đùi và cẳng chân được kết nối với nhau hệ thống dây chằng và bao khớp.

Nhờ sự giữ chặt của các dây chằng chéo mà khớp nối mới có thể chắc chắn, linh hoạt và đáp ứng được các yêu cầu về vận động như chạy, nhảy hằng ngày của con người.

Theo nhiều chuyên gia: "Chấn thương dây chằng chéo có thể hiểu là tình trạng dây chằng chéo bị căng, đứt một phần hoặc đứt toàn bộ".

2. Dấu hiệu lâm sàng

Đầu gối bị sưng đau

Người bị chấn thương đứt dây chằng thường sẽ có dấu hiệu điển hình là đau khớp gối. Cụ thể, đầu gối sưng tấy làm khớp xương khó vận động.

Cơn đau dữ dội hơn khi vận động mạnh hoặc vẫn tiếp tục di chuyển nên cần sự trợ giúp của người khác.

Khớp gối bị lỏng

Sau khoảng 2 - 3 tuần, các dấu hiệu đau nhức, sưng tấy không còn nữa. Bệnh nhân có thể đi lại, tuy nhiên sẽ không thể như lúc ban đầu mà có cảm giác khớp gối bị lỏng, không chắc chắn như ban đầu

Lúc này, người mắc phải sẽ có một số triệu chứng như:

  • Có cảm giác yếu chân khi đi lại, chạy nhảy;
  • Cảm thấy khó chịu khi chạy nhanh, khi đổi hướng đột ngột;
  • Khó khăn khi đi xuống dốc hoặc đi xuống cầu thang;
  • Đau và khó chịu khi tiếp đất bằng chân bị chấn thương, đặc biệt trong các động tác giống như nhảy lò cò một chân;
  •  Dễ bị ngã khi thực hiện các động tác thể lực: chạy nhanh, đổi hướng đột ngột, nhảy cao…

3. Hậu quả của đứt dây chằng chéo trước

Đứt dây chằng chéo trước gây mất vững khớp gối làm ảnh hưởng đến hoạt động thể lực của người bệnh, đặc biệt ở người trẻ tuổi có nhu cầu hoạt động thể lực cao. Hậu quả của chấn thương này có thể bao gồm:

Tổn thương sụn chêm thứ phát: Sự mất vững khớp gối làm cho mâm chày trượt ra trước so với lồi cầu đùi khiến cho sụn chêm bị kẹt giữa 2 xương và bị rách. Sự lặp đi lặp lại của hiện tượng này làm cho rách sụn chêm ngày càng lan rộng.

Tổn thương sụn khớp: Thay đổi động học của khớp gối dẫn đến sự bất thường trong phân phối lực của lồi cầu xương đùi xuống mâm chày làm tổn thương sụn khớp. Hậu quả là dẫn đến thoái hóa khớp gối.

4. Trường hợp nào phải mổ tái tạo dây chằng chéo trước?

Đứt dây chằng chéo trước hoàn toàn: Có chỉ định mổ nội soi khớp gối tái tạo dây chằng chéo trước nhằm cải thiện chức năng khớp gối và ngăn ngừa các tổn thương thứ phát do đứt dây chằng chéo trước gây nên.

Đứt dây chằng chéo trước không hoàn toàn nhưng phần còn lại của dây chằng chéo trước không còn đủ để giữ vững khớp gối ở người bệnh có nhu cầu vận động thể lực cao cũng có chỉ định mổ nội soi khớp gối tái tạo dây chằng chéo trước.

Tuy nhiên cần cân nhắc một số yếu tố khi chỉ định mổ tạo hình dây chằng chéo trước bao gồm:

  • Tuổi của người bệnh: Thường thì mổ mổ nội soi khớp gối tái tạo dây chằng chéo trước được chỉ định cho người trẻ tuổi (dưới 50 tuổi). Tuy nhiên một số báo cáo y khoa về tái tạo dây chằng chéo trước cho người trên 50 tuổi cũng cho kết quả khả quan.
  • Nhu cầu vận động thể lực của người bệnh: Chỉ định mổ nội soi khớp gối tái tạo dây chằng chéo trước được đặt ra với những người có nhu cầu vận động thể lực cường độ cao (ví dụ chơi thể thao).
  • Biên độ vận động của khớp gối: Chỉ nên tái tạo dây chằng chéo trước khi người bệnh có biên độ khớp gối bình thường hoặc gần như bình thường vì nó ảnh hưởng đến biên độ vận động khớp gối sau mổ.
  • Sức mạnh của cơ tứ đầu đùi: Cơ tứ đầu đùi càng yếu thì hiệu quả tái tạo dây chằng chéo trước càng thấp. Vì thế tăng cường sức mạnh cơ tứ đầu đùi trước mổ là cần thiết để có được kết quả khả quan.
  • Tổn thương xương kèm theo: Nếu có tổn thương xương kèm theo (phù tủy xương) sẽ ảnh hưởng đến khả năng cố định vững chắc mảnh ghép trong đường hầm xương và tập phục hồi chức năng sau phẫu thuật.
  • Khớp gối có biểu hiện viêm nhiễm hay không? Mổ nội soi khớp tái tạo dây chằng chéo trước không được đặt ra với những trường hợp có nhiễm trùng khớp gối và cần cân nhắc với những trường hợp có viêm hoạt dịch khớp gối.
  • Tổn thương dây chằng chéo trước trên khớp gối/ chi thể dị tật: Nếu người bệnh có khớp gối hoặc chi dưới dị tật thì không thể hoạt động thể lực ở mức độ cao, nên việc tái tạo dây chằng chéo trước là không cần thiết.

Nên mổ thời điểm nào?

Mổ tạo hình dây chằng chéo trước sớm trong những tuần đầu sau khi chấn thương làm tăng đáng kể tỷ lệ người bệnh bị viêm dính khớp gối sau mổ, dẫn đến hạn chế biên độ vận động khớp gối sau mổ.

Các nghiên cứu y khoa đã chỉ ra rằng, mổ tạo hình dây chằng chéo trước nên thực hiện ở thời điểm ít nhất 3 tuần sau khi chấn thương nhằm hạn chế biến chứng viêm dính khớp gối dẫn đến hạn chế biên độ vận động khớp gối.

Mổ tạo hình dây chằng chéo trước muộn sau chấn thương, khi người bệnh đã bị mất vững khớp gối trong một thời gian dài sẽ làm tăng đáng kể tỷ lệ người bệnh có tổn thương sụn chêm và sụn khớp phối hợp. Hội chấn thương chỉnh hình Hoa Kỳ năm 2014 đã đưa ra khuyến cáo, người bệnh bị đứt dây chằng chéo trước có chỉ định mổ tạo hình dây chằng chéo trước nên mổ trong khoảng thời gian trong vòng 5 tháng sau khi bị chấn thương khớp gối nhằm bảo vệ khớp gối khỏi các tổn thương thứ phát.

Ngoài ra, việc chuẩn bị tâm lý cho người bệnh, lên kế hoạch cho người bệnh trước mổ, các tổn thương kèm theo của khớp gối phối hợp, tình trạng chức năng khớp gối trước mổ (ví dụ không hoặc tràn dịch khớp gối ít, cơ tứ đầu đùi đủ khỏe và không bị teo cơ, biên độ vận động hết tầm…) là những yếu tố quyết định đến thời điểm phẫu thuật.

5. Phòng tránh ngay từ trước

Để tránh tối đa việc bị đứt dây chằng chéo, điều quan trọng là cần kết hợp giữa luyện tập, nghỉ ngơi và dinh dưỡng;

Việc luyện tập để tăng cường sức mạnh cho dây chằng chéo là rất cần thiết. Trước khi tập, người chơi sẽ phải khởi động đầy đủ.

Các bài tập với tạ như squat, deadlift là cần thiết để tăng sức mạnh cho cả cơ và dây chằng. Cơ bắp khỏe cũng sẽ giảm tải bớt áp lực cho dây chằng.

Ngoài ra, các bài tập chạy nước rút bên ngoài cũng sẽ giúp tăng cường sức mạnh cho dây chằng chéo.

- Nghỉ ngơi đầy đủ

Luôn đảm bảo số giờ ngủ từ 7-8 tiếng khi chơi thể thao vừa và 8 - 10 tiếng khi chơi thể thao rất nặng là điều cần thiết để phục hồi.

Cường độ thi đấu cũng nên được sắp xếp để không bị quá dày trong thời gian quá dài.

- Bổ sung dinh dưỡng thường xuyên

Điều này cho thấy tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với thể lực và tình trạng chấn thương của các cầu thủ. Vì lý do này, thường xuyên bổ sung các thực phẩm giàu protein, canxi và collagen với sự tư vấn của chuyên gia là điều rất cần thiết để có dây chằng khỏe mạnh.

 

Hiện nay tại bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Nghệ An đã triển khai các kỹ thuật phẫu thuật nội soi như:

  • Phẫu thuật nội soi khớp gối tái tạo dây chằng chéo trước- dây chằng chéo sau
  • Phẫu thuật nội soi khớp gối khâu sụn chêm
  • Phẫu thuật nội soi khớp gối cắt lọc khớp gối
  • Phẫu thuật nội soi khớp vai, khớp khuỷu, khớp cổ chân,…

 

Để được tư vấn cụ thể vui lòng liên hệ trực tiếp Bác sĩ CKI. Nguyễn Song Duệ - Phó khoa Chi Dưới qua số điện thoại 0987 065115

loading....