Đứt gân gót chân Achilles: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị  

Huyền Đậu
Đứt gân gót chân (Achilles Tendon Ruptures) là một tổn thương ảnh hưởng đến mặt sau của cổ chân. Đây là tổn thương có thể xảy ra với bất kỳ đối tượng nào, đặc biệt là những người chơi thể thao. Gân Achilles là một cấu trúc gân cực kỳ khỏe và chắc chắn, kết nối các cơ ở phía sau bắp chân với xương gót. Gân gót chân là một trong những gân quan trọng nhất trong việc di chuyển đi lại, đóng vai trò chủ đạo trong các hoạt động chạy, nhảy xa, bật cao. Cử động rõ ràng nhất của gân gót được thể hiện khi đứng chịu lực bằng mũi ngón chân (đứng nhón gót, đứng kiễng chân). Nếu chịu tải một lực căng quá mức, gân Achilles có thể bị rách (đứt) một phần hay hoàn toàn.

1. Các nguyên nhân và yếu tố làm tăng nguy cơ đứt gân gót

Tổn thương gân gót chân xảy ra do gia tăng áp lực đột ngột lên gân Achilles. Việc tăng áp lực lên gân gót chân có thể bắt nguồn từ một số nguyên nhân phổ biến như:

  • Tăng đột ngột cường độ chơi thể thao, đặc biệt là các môn liên quan đến động tác bật nhảy;
  • Chấn thương do rơi từ trên cao xuống, tiếp đất bằng gan chân;
  • Chấn thương do bước hụt chân.
  • Bị viêm gân gót chân trong thời gian dài

Bên cạnh đó, một số yếu tố khác có liên quan tới nguy cơ đứt gân gót bao gồm:

  • Tuổi tác: Trung bình độ tuổi bị chấn thương đứt gân Achilles là từ 30 – 40.
  • Giới tính: Hiện tượng đứt gân gót chân xảy ra ở nam cao gấp 5 lần so với nữ.
  • Thể thao: Chấn thương gân Achilles xảy ra phổ biến nhất ở các môn thể thao liên quan đến chạy, nhảy, đặc biệt khi người vận động phải khởi động hay dừng lại đột ngột. Ví dụ như bóng chuyền, bóng rổ và quần vợt.
  • Thuốc tiêm chứa corticoid: Việc lạm dụng thuốc có corticoid có thể làm yếu hoặc xơ hóa tổ chức gân và phần mềm lân cận, do đó có liên quan đến nguy cơ gặp chấn thương
  • Thuốc kháng sinh: Tác dụng phụ của một số kháng sinh nhóm fluoroquinolon, chẳng hạn như ciprofloxacin (Ciprobay) hoặc levofloxacin (Levaquin) là làm tăng nguy cơ đứt gân Achilles.
  • Cân nặng: Trọng lượng dư thừa quá nhiều sẽ làm tăng áp lực lên gân gót chân khi di chuyển.

 

2. Các nguyên nhân và yếu tố làm tăng nguy cơ đứt gân gót

Các triệu chứng gân Achilles bị đứt/rách thường không biểu hiện rõ rệt, nhưng phần lớn bệnh nhân sẽ trải qua các dấu hiệu như:

  • Cảm giác đau nhói như bị đá mạnh vào vùng dưới bắp chân xuất hiện đột ngột;
  • Đau đớn khi đi lại, hoặc khi đứng nhón bằng mũi ngón chân; sưng tấy vùng quanh gót chân;
  • Mất khả năng uốn cong bàn chân về phía gan chân;
  • Đôi khi bệnh nhân nghe thấy âm thanh lộp bộp ngay khi gân bị đứt;

Ngay khi bệnh nhân có các dấu hiệu của chấn thương, đặc biệt là mất khả năng đi lại bình thường sau chấn thương, nên đi đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh để tổn thương nặng thêm.

3. Cách phòng ngừa chấn thương gân Achilles

Một số thói quen luyện tập dưới đây sẽ giúp phòng ngừa nguy cơ tổn thương gân Achilles:

  • Tích cực tập căng giãn các cơ bắp chân bằng bài tập kéo bàn chân về phía mu chân, làm căng bắp chân cho đến khi cảm thấy một lực kéo nhưng không đau. Các bài tập này sẽ giúp cải thiện sức mạnh của bắp chân, đồng thời giúp cơ và gân hấp thụ nhiều lực hơn và ngăn ngừa khả năng chấn thương.
  • Thay thế các môn thể thao có cường độ vận động vùng gót cao bằng các môn thể thao có cường độ thấp hơn khi bắt đầu thấy quá tải, như đạp xe tại chỗ hoặc bơi. Hạn chế tối đa các vận động gây căng thẳng quá mức lên gân Achilles như các môn chạy trên đường dốc.
  • Hạn chế chạy trên bề mặt quá cứng hoặc trơn trượt. Chuẩn bị trang phục thể thao phù hợp trong thời tiết lạnh, kết hợp lựa chọn giày thể thao vừa vặn với đệm lót ở gót chân.
  • Điều chỉnh cường độ luyện tập từ từ. Chấn thương gân gót thường xảy ra sau khi tăng cường độ luyện tập đột ngột. Tăng khoảng cách, thời lượng và tần suất luyện tập của bạn không quá 10 phần trăm công suất mỗi tuần.

4. Phương pháp điều trị đứt gân Achilles

Phương pháp điều trị đứt gân Achilles phụ thuộc vào độ tuổi, nhu cầu hoạt động của bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của chấn thương.

  • Người trẻ tuổi và người có nhu cầu hoạt động nhiều hơn, đặc biệt là các vận động viên, có xu hướng điều trị bằng phương pháp phẫu thuật, phục hồi lại gân Achilles đứt.
  • Bệnh nhân lớn tuổi, ít có nhu cầu vận động, hoặc có chống chỉ định phẫu thuật có khả năng chọn điều trị bảo tồn không mổ.

Điều trị không phẫu thuật:

Bao gồm các bước tiếp cận sau:

  • Đi lại không tì lực với nạng;
  • Chườm lạnh lên vùng bị chấn thương;
  • Sử dụng thuốc giảm đau;
  • Hạn chế cử động cổ chân trong 3 – 4 tuần đầu tiên. Bệnh nhân có thể tập đi bằng giày có đệm gót hoặc bó bột, với bàn chân gập về phía gan chân theo chỉ định của bác sĩ.

Nhược điểm của cách tiếp cận không phẫu thuật là tăng khả năng gân không liền hoặc đứt lại; và quá trình hồi phục cũng mất nhiều thời gian hơn.

Điều trị phẫu thuật:

Quá trình phẫu thuật được thực hiện bằng việc rạch một đường mổ ở phía sau gót chân và khâu phục hồi phần gân rách. Ở một số trường hợp mất đoạn gân lớn, việc tái tạo có thể được gia cố, ghép đọan bằng các gân khác.

Hiện nay, công nghệ hiện đại đã có thể giúp khâu phục hồi gân gót qua da. Với ưu điểm sẹo mổ nhỏ, thẩm mỹ, ít đau, giảm biến chứng như mổ mở mà vẫn đem lại hiệu quả tương tương.

loading....