Cứng khớp gối khiến người bệnh khó cử động các khớp gối, giảm độ linh hoạt của khớp cũng như mất tầm vận động, mất cân bằng cơ, gân và mô mềm xung quanh khớp gối, đặc biệt là vùng bắp chân và đùi; thậm chí gây cản trở những hoạt động thường ngày có sử dụng đến sự co duỗi gối.
Ban đầu, khớp bị cứng mức độ nhẹ ít gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng vận động. Theo thời gian, triệu chứng càng trở nên nghiêm trọng và có thể khiến bệnh nhân không thể cử động ở vùng chi bị ảnh hưởng. Nếu không được can thiệp điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như dính khớp, giảm/mất khả năng vận động, teo cơ, thiểu dưỡng mô mềm chi dưới hoặc thậm chí có thể dẫn đến tàn phế.
Nguyên nhân gây cứng khớp gối
-
Cứng khớp gối sau chấn thương
Cứng khớp gối sau chấn thương đầu gối là một trong những nguyên nhân thường gặp. Nguyên nhân là do chấn thương dây chằng, chấn thương sụn chêm, sụn khớp hoặc gãy xương quanh khớp gối… Tất cả những tổn thương bên trong khớp gối đều tạo áp lực lớn và gây tổn thương các mặt sụn. Chính sự tổn thương các mặt sụn sẽ khiến khớp gối bị giảm biên độ chuyển động, kèm theo các cơn đau, sưng tấy tại vị trí tổn thương.
- Cứng khớp gối sau bất động khớp (bó bột, nẹp đầu gối…)
Bất động khớp là một trong những biện pháp điều trị trong các trường hợp chấn thương khớp gối, cố định chi sau phẫu thuật…. Thông thường, người bị chấn thương khớp gối tùy theo từng trường hợp sẽ cần khoảng 2 – 6 tuần để bó bột hoặc đeo nẹp ôm gối để chống phù nề, giảm sưng, viêm, tạo điều kiện cho các gân, cơ, mô mềm tái lại cấu trúc.
Tuy nhiên, việc này cũng sẽ khiến khớp gối liên tục chịu áp lực, hình thành các mô xơ sẹo trong khớp gối gây ra hậu quả cứng khớp gối. Do vậy, bó bột hay nẹp gối là nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng này.
Phần lớn các bệnh viêm khớp hệ thống như viêm dính khớp, viêm khớp dạng thấp… đều có triệu chứng đau và cứng khớp gối kéo dài 45 – 60 phút. Triệu chứng cứng khớp nếu diễn ra hơn 1 giờ là dấu hiệu cảnh báo bệnh tiến triển nặng. Do đó, người bệnh cần được thăm khám sớm để tránh các biến chứng nghiêm trọng như thoái hóa khớp gối, bào mòn sụn hoặc lệch khớp.
Cách điều trị cứng khớp gối
Mục đích của điều trị cứng khớp gối là điều trị theo căn nguyên. Việc điều trị theo triệu chứng ở các trường hợp cứng đầu gối không được khuyến khích.
Đối với những người bệnh do viêm khớp dạng thấp, viêm dính khớp đều được ưu tiên điều trị nội khoa bằng thuốc giảm đau, chống viêm.
Đối với những trường hợp mà triệu chứng cứng khớp gối diễn ra dưới 10 ngày, chức năng lao động chưa bị ảnh hưởng hoặc chưa gây cản trở quá lớn trong sinh hoạt hàng ngày, người bệnh sẽ được điều trị bằng những phương pháp tại chỗ.
Trong trường hợp người bệnh cần phẫu thuật, do không đáp ứng các phương pháp điều trị khác và bệnh diễn tiến nặng hơn, phương pháp phẫu thuật thuật nội soi cắt lọc hoặc giải phóng khớp gối có thể được chỉ định. Trong trường hợp bệnh nặng và không đáp ứng các phương pháp điều trị khác, phương pháp thay khớp gối nhân tạo sẽ được chỉ định. Ngoài ra, việc tập Phục hồi chức năng cũng giúp cho người bệnh cải thiện được triệu chứng, lấy lại tầm vận động cũng như dự phòng teo cơ, co rút dây chằng, bao khớp xung quanh khớp gối.
Khi xuất hiện dấu hiệu cứng khớp, người bệnh cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn và điều trị kịp thời.