Chăm sóc bệnh nhân sau mổ thay khớp háng 

Huyền Đậu

Khớp háng nhân tạo gồm hai thành phần chính: ổ chảo và chỏm xương đùi, dùng để thay thế cho khớp háng bị hư do thoái hóa, hoại tử xương đùi hoặc gãy cổ xương đùi cũ. Phẫu thuật thay khớp háng giúp cho bệnh nhân bớt đau, phục hồi lại một số động tác sinh hoạt hoặc lao động. Bệnh nhân sau khi được thay khớp háng toàn phần cần thực hành theo các chỉ dẫn sau đây:

I.GIAI ĐOẠN SAU MỔ:

Ngày thứ nhất: Tập cử động nhẹ nhàng hai tay và chân lành, tập thở bụng, tập gồng cơ đùi và cổ chân bên thay khớp.

Ngày thứ hai:Bệnh nhân tập ngồi dậy trên giường có trợ giúp.

Ngày thứ ba: Tập ngồi dậy, chân buông xuống mép giường, gối và háng gập 90 độ, chân dang nhẹ.

Ngày thứ tư: Sau khi tập ngồi quen, nếu không chóng mặt và vết mổ tốt thì bắt đầu tập đứng với khung hoặc hai nạng có người giúp.

Ngày thứ năm trở đi: Tập đi với khung hoặc nạng hàng ngày, chịu dần sức nặng bên thay khớp.

Ngày thứ 14: Bệnh nhân có thể xuất viện. Tái khám theo hẹn, trung bình 4 tuần khám 1 lần.

II.NHỮNG ĐIỀU CẦN NHỚ:

Bệnh nhân sau khi thay khớp háng toàn phần cần được bố trí và thích nghi trở lại với điều kiện sinh hoạt ở nhà hay nơi làm việc.

Những điều nên làm và nên tránh:

1. Ở tư thế ngồi:

- Nên ngồi ghế dựa cao, hai đùi ở phía trước thân mình, chân dang nhẹ, háng và gối gấp tối đa 90 độ.

- Khi đi vệ sinh nên ngồi bàn cầu cao.

- Tránh ngồi xổm, ngồi xếp bằng, ngồi bắt chéo chân, không ngồi ghế quá thấp hoặc quá mềm, không ngồi hoặc nằm võng.

2. Ở tư thế đứng:

- Khi đứng nên đứng thẳng, chân hơi dạng, hai bàn chân xoay ngoài nhẹ.

- Không đứng quá lâu, không xoay người bất thình lình, không mang nặng.

3. Ở tư thế nằm:

- Bệnh nhân nằm thoải mái, không để chân mổ xoay vào trong.

- Trường hợp bệnh nhân nằm nghiêng, kê gối giữa 2 đùi ít nhất trong vòng 3 tháng sau mổ.

4. Khi đi lại, lên xuống cầu thang:

- Phải đi từng bậc một, tay vịn vào lan can, chân lành bước lên trước, rồi đến chân mổ

- Cẩn thận khi bước qua bậc cửa cao hoặc sàn nhà có trải thảm hoặc sàn nhà trơn láng

5. Khi làm việc nhà:

- Làm việc nên sử dụng những dụng cụ trợ giúp như: làm tăng chiều dài của cán chổi, cán hốt rác dài hơn.. để tránh cúi nhiều.

- Không nên quá gắng sức, không nên với đồ vật ở cao hoặc ở xa, không nên ngồi hoặc quỳ.

6. Sinh hoạt cá nhân:

- Nên tập cách mặc quần áo cho thích hợp để tránh bị cúi hoặc gập háng quá mức (có thể dùng các loại nẹp vải để trợ giúp).

- Không nên nằm nghiêng về bên chân đau.

7. Di chuyển bằng xe:

- Phải cẩn thận khi lên xuống xe hơi hoặc xe bus. Khi tự đi xe đạp nên chọn loại xe nữ, không nên đi xe sườn ngang (xe nam)

8. Tái khám:

- Tái khám ngay khi có các triệu chứng sau:

  • Đau sưng tại vết mổ
  • Sốt
  • Chân bên mổ có biến dạng bất thường hoặc đi lại cử động khó khăn.

- Tái khám định kỳ theo hẹn.

 

loading....