1. Sự xuất hiện của biến thể Delta?
Biến thể Delta còn có tên gọi khác là B.1.617.2 là biến chủng mới của virus SARS-Cov-2, được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ vào cuối năm 2020. Hiện nay, biến chủng này đã xuất hiện và lây lan tại 124 quốc gia trên thế giới. Chủng Delta cũng được ghi nhận là biển chủng chủ yếu cho các ca bệnh COVID-19 tại Mỹ.
Theo ghi nhận của WHO, biến thể Delta có khả năng gây bệnh và tốc độ lây nhiễm nhanh hơn so với các biển chủng còn lại của virus SARS-Cov-2. Các chuyên gia nhận xét, mức độ lây lan của biến chủng Delta nhanh hơn đến 50% so với sự lây lan của biến thể Alpha.
Biến thể Delta được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ vào tháng 12/2020
2. Các triệu chứng bệnh lý khi mắc biến chủng Delta
Theo các chuyên gia, triệu chứng bệnh lý khi người bệnh bị nhiễm biến thể B.1.617.2 là gần tương tự với những biến thể virus SARS-CoV-2 trước đó. Tuy nhiên, thống kê cho thấy, dấu hiệu và triệu chứng bệnh lý lại có sự khác biệt giữa các nhóm đối tượng đã tiêm vắc xin COVID-19 và chưa tiêm vắc xin. Cụ thể như sau:
-
Người bệnh không được tiêm vắc xin COVID-19 trước đó sẽ xuất hiện các triệu chứng cơ bản như: đau đầu, ho khan, sốt cao, đau họng, hắt hơi,…
-
Người đã tiêm 1 liều vắc xin có dấu hiệu sổ mũi, đau họng, đau đầu.
-
Người đã tiêm ngừa đủ liều vắc xin COVID-19 nhưng vẫn bị lây nhiễm virus và mắc bệnh có tình trạng đau họng, sổ mũi, đau đầu, hắt xì và mất khứu giác.
Nguy hiểm hơn, các dấu hiệu nhiễm bệnh của biến chủng này khá giống với bệnh viêm đường hô hấp thông thường. Do đó, có không ít ca bệnh chủ quan và không biết mình đã nhiễm virus. Điều này không chỉ làm tăng nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng mà còn có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh.
Các triệu chứng khi mắc biến chủng Delta có thể dễ nhầm lẫn với bệnh cảm cúm
3. Biến thể Delta có nguy hiểm không?
Biến thể Delta thực sự nguy hiểm bởi nó không chỉ có tốc độ lây lan nhanh chóng mà còn có thể khiến tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn. Theo kết quả nghiên cứu cho thấy, người nhiễm biến chủng này có lượng virus nhiều hơn 1.000 lần so với những biến thể trước đó.
Một nghiên cứu về biến thể này cho thấy, Delta có mức độ nhân lên nhanh chóng ở mũi. Biến chủng chỉ mất 4 ngày để sản sinh mức “kháng nguyên” có thể phát hiện ở người thay vì 6 ngày như biến chủng virus được phát hiện tại Vũ Hán. Điều này có nghĩa là cơ thể có ít thời gian để phòng bị và bảo vệ trước sự tấn công của virus.
Đặc biệt, biến chủng Delta có sự đột biệt ở tại vị trí 681 của protein gai - P681R cho phép biến thể có khả năng đột phá và tấn công tốt hơn tại hàng rào miễn dịch của cơ thể, khiến các tế bào có nguy cơ bị tiêu diệt cao hơn.
Biến chủng Delta thực sự nguy hiểm và có tốc độ lây nhiễm nhanh chóng trong cộng đồng
4. Tại sao Delta lại có khả năng lây nhiễm nhanh hơn các biến thể khác?
Biến thể Delta có tỉ trọng thấp hơn so với các biến chủng SARS-CoV-2 trước đó. Với tỉ trọng nhỏ, virus có thời gian và mức độ di chuyển lơ lửng trong không khí lâu hơn khi so sánh với các biến chủng khác. Chính điều này khiến virus có khả năng lây lan nhanh chóng thông qua môi trường không khí thay vì tiếp xúc trực tiếp giữa người nhiễm bệnh và không nhiễm bệnh.
Đặc biệt, với môi trường không khí kín, biến chủng Delta có tốc độ lây nhiễm vượt trội. Điều này có thể chứng minh với các ổ dịch trong các khu công nghiệp, công ty, nhà máy,…
5. Tiêm vắc xin COVID-19 có thể phòng ngừa sự lây nhiễm của biến thể Delta không?
Trên thực tế, tiêm vắc xin COVID-19 là biện pháp phòng ngừa sự lây nhiễm virus SARS-CoV-2 hiệu quả nhất. Theo kết quả nghiên cứu, hai loại vắc xin là Pfizer và AstraZeneca được cho là có hiệu quả ngăn ngừa sự tấn công của biến thể Delta. Trong đó, khả năng hình thành kháng thể chống lại biến chủng Delta ở mũi tiêm thứ nhất là tương đối thấp và cao hơn hẳn khi hoàn thành mũi tiêm thứ hai.
Tiêm vắc xin COVID-19 là giải pháp ngăn ngừa sự lây lan và tạo hàng rào miễn dịch cộng đồng hiệu quả nhất
Tuy nhiên, vắc xin không phải “hàng rào” bảo vệ tuyệt đối cho cơ thể trước sự tấn công và lây nhiễm của virus SARS-CoV-2. Tức là người đã tiêm vắc xin vẫn có khả năng nhiễm bệnh và lây lan cho cộng đồng dù đã tiêm đủ hoặc chưa đủ. Nguyên nhân có thể do:
-
Xuất hiện ca nhiễm đột phá trên người bệnh dù đã được tiêm đủ liều.
-
Người bệnh có thể đã bị lây nhiễm virus trước khi thực hiện tiêm chủng vắc xin COVID-19.
-
Người tiêm vắc xin COVID-19 chưa được tiêm đủ 2 liều vắc xin khiến cơ thể chưa có đủ kháng thể để ngăn chặn sự tấn công của virus.
-
Người có bệnh nền gây suy giảm miễn dịch.
-
Nồng độ virus xâm nhập và nhân lên trong cơ thể lớn hơn gấp nhiều lần nồng độ kháng thể đã có sau tiêm vắc xin.
-
Virus xâm nhập và tiếp tục biến chủng, vượt qua hàng rào miễn dịch cơ thể.
Mặc dù vậy, tiêm phòng vắc xin là giải pháp được khuyến cáo thực hiện hàng đầu nhằm tăng cường thiết lập sự miễn dịch cộng đồng. Bên cạnh đó, các biện pháp phòng ngừa như thực hiện giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, khử khuẩn, hạn chế tập chung đông người,… cũng cần được thực hiện nghiêm túc.
Hiện nay, trong tình hình dịch bệnh ngày càng căng thẳng và có những diễn biến bất thường, mỗi cá nhân cần tự trang bị cho mình những kiến thức chính xác để chủ động bảo vệ bản thân khỏi dịch bệnh. Đồng thời, cần tuân thủ và đầy đủ các biện pháp phòng tránh COVID-19 đã được Bộ Y tế Khuyến Cáo.
Nguồn tin: Bệnh viện đa khoa Medlatec