Một số điều cần biết về phương pháp bó bột 

Huyền Đậu
Bó bột là phương pháp bất động xương gãy, giữ xương ở đúng vị trí giải phẫu, thúc đẩy quá trình liền xương và phục hồi phần mềm, ngăn ngừa hay giảm những cơn co thắt cơ bắp và hạn chế tổn thương thêm. Một số trường hợp có thể được kết hợp bó bột và nẹp nếu người bệnh gặp chấn thương hay có phẫu thuật về cả xương, gân, khớp. Hai vật liệu được áp dụng phổ biến nhất trong bó bột là thạch cao và sợi thủy tinh. Tuy bó bột có thể làm người bệnh cảm thấy bất tiện trong sinh hoạt hằng ngày, nhưng đây lại là phương pháp đơn giản, hiệu quả trong điều trị gãy xương.

Lưu ý khi bó bột điều trị

Để đảm bảo quá trình hồi phục xương diễn ra thuận lợi và hạn chế tối đa những biến chứng sau bó bột, người bệnh cần lưu ý:

  • Tái khám ngay khi xuất hiện các triệu chứng bất thường như đau buốt, sưng nề vùng bó bột, tê và tím tái đầu ngón tại chi, cơn đau ngày càng tăng…
  • Phần chi bó bột cần được kê cao hơn nhằm tránh tình trạng phù nề.
  • Thực hiện gồng cơ đúng cách: Khu vực cơ bị bó bột khi không hoạt động sẽ bị teo lại, làm gián đoạn quá trình hồi phục của xương, gây loạn dưỡng. Vì vậy, người bệnh cần hỗ trợ cơ hoạt động bằng động tác gồng cơ.
  • Các phần chi không bó bột cần tập vận động để thúc đẩy lưu thông máu, ngăn ngừa tình trạng cứng khớp.
  • Sau khi bó, phần bột cần ít nhất khoảng 30 – 48 giờ mới cứng lại. Do đó, người bệnh chỉ nên di chuyển sau khi bó bột 2 ngày. Các trường hợp đi lại sớm hơn sẽ khiến bột dễ bị vỡ, không đảm bảo hiệu quả phục hồi.
  • Bọc bột trong túi nilon, túi chống thấm khi đi vệ sinh hay tắm rửa, tránh để bột bị dính nước vì có thể gây hư bột, hôi chân.
  • Nếu bột gây ngứa chân hay có sự tấn công từ côn trùng vào bột, tuyệt đối không dùng dụng cụ để chọc ,gãi…; vì điều này sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng vùng da trong bột. Thay vào đó, người bệnh nên thông báo với bác sĩ để có hướng xử trí sớm.
  • Tái khám theo đúng theo lịch hẹn với bác sĩ.

Bó bột sau bao lâu thì tháo?

Thời gian bó bột thường phụ thuộc thời gian lành xương và các mô mềm xung quanh. Tùy theo xương gãy, vị trí gãy, mức độ gãy cùng những yếu tố kèm theo (tổn thương mô mềm xung quanh, tình trạng dinh dưỡng, bệnh lý đi kèm), thời gian lành xương của mỗi người sẽ có sự khác biệt.

Đối với người bệnh có sức khỏe tốt, gãy xương chi trên có thể lành sau 4 – 8 tuần, chi dưới là 8 – 12 tuần. Tuy nhiên, thông tin này chỉ mang tính chất tham khảo. Thời gian thực tế sẽ dao động phụ thuộc vào cơ địa của mỗi người bệnh.

Để đảm bảo xương đã lành, người bệnh sẽ được thăm khám lâm sàng, chụp x-quang để kiểm tra. Sau khi có kết quả lành xương, bác sĩ mới tiến hành cắt bột.

loading....