Các yếu tố nguy cơ loãng xương 

Huyền Đậu
Loãng xương là bệnh lý xương khớp thường gặp ở những người lớn tuổi. Bệnh làm giảm mật độ xương và làm tăng nguy cơ bị gãy xương gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sức khỏe. Bệnh thường tiến triển âm thầm không có triệu chứng rõ ràng. Bệnh lý này nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì thế, mỗi cá nhân nên thường xuyên thăm khám sức khỏe định kỳ và chủ động trang bị kiến thức.

Sự thiếu hụt canxi được xem là một trong những nguyên nhân loãng xương vì nó làm hạn chế khả năng hình thành mô xương mới cho cơ thể. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt nội tiết tố Estrogen ở phụ nữ trong độ tuổi mãn kinh hay suy giảm nội tiết tố testosterone ở nam giới cũng là một trong các nguyên nhân loãng xương, khiến xương dễ bị lão hóa hơn.

Ngoài ra, một số yếu tố làm tăng nguy cơ gây loãng xương sớm có thể kể đến như là:

1. Những yếu tố khách quan

Có những yếu tố nguy cơ loãng xương khách quan không thể thay đổi mà người bệnh buộc phải chấp nhận như là:

  • Độ tuổi: Mật độ xương đạt đến đỉnh điểm khi con người khoảng 30 tuổi. Lúc này thì xương mới sẽ hình thành chậm hơn, trong khi xương cũ sẽ bắt đầu thoái hóa. Bước vào độ tuổi 50 thì cơ thể chúng ta sẽ có nguy cơ loãng xương cao hơn bởi lúc này tốc độ thoái hóa xương diễn ra nhanh chóng và vượt qua tốc độ tạo xương mới.
  • Giới tính: Thông thường thì nam giới bị loãng xương ít hơn so với nữ giới.
  • Tiền sử bệnh lý gia đình: Nếu trong gia đình có người thân bị loãng xương thì bạn sẽ có nguy cơ bị loãng xương cao hơn những người khác.
  • Thể trạng cơ thể: Những người có thể trạng thấp bé thường có khối lượng xương thấp, vì vậy nên tốc độ mất xương sẽ nhanh hơn người khác.
  • Tai nạn: Việc bị tai nạn, chấn thương xương có thể dẫn đến tình trạng bị thiếu hụt canxi và khiến cho người bệnh có nguy cơ bị loãng xương nhanh hơn người bình thường.

2. Do thói quen sinh hoạt

  • Chế độ ăn hàng ngày: Chế độ ăn uống thiếu khoa học, tiêu thụ quá nhiều các thực phẩm giàu protein, natri hay chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá,... đặc biệt là bị thiếu vitamin D và canxi, phốt pho, magie sẽ khiến cho bạn có nguy cơ cao bị loãng xương.
  • Ít vận động: Lười vận động, hoặc nằm và ngồi quá nhiều cũng sẽ làm tăng nguy cơ bị loãng xương.
  • Cân nặng: Những người thừa cân, béo phì thì cân nặng sẽ gây áp lực lên xương và các khớp lớn hơn so với người bình thường nên có nguy cơ mắc các bệnh lý về xương khớp như loãng xương, gout, viêm khớp,...
  • Công việc: Những người làm công việc văn phòng, hoặc công việc phải ngồi hoặc đứng quá nhiều, ít có thời gian để vận động thì thường dễ mắc bệnh loãng xương.
  • Sử dụng steroid: Quá trình tái tạo xương mới cũng có thể sẽ bị ảnh hưởng nếu bạn sử dụng steroid trong thời gian dài. Vì vậy, nếu không phải bắt buộc thì hãy nói chuyện với bác sĩ của mình để tìm ra những giải pháp điều trị thay thế khác.

3. Yếu tố bệnh lý

Một trong yếu tố nguy cơ gây loãng xương nữa đó chính là do mắc phải một số bệnh lý như là:

  • Mắc các bệnh đường tiêu hoá (dạ dày, ruột...) làm hạn chế hấp thu canxi, vitamin D và protid... làm tăng nguy cơ loãng xương.
  • Mắc các bệnh nội tiết như cường giáp, cường tuyến cận giáp, cường tuyến vỏ thận, tiểu đường...
  • Bị suy thận mãn tính hoặc phải chạy thận nhân tạo lâu ngày gây rối loạn chuyển hóa và mất canxi qua đường tiết niệu.
  • Mắc các bệnh xương khớp mãn tính như viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp ...

Những đối tượng trên cần đến các cơ sở y tế uy tín để thăm khám và đo mật độ xương định kỳ để phát hiện sớm tình trạng loãng xương và điều trị kịp thời.

loading....