BỆNH CƠ XƯƠNG KHỚP LÀ GÌ?
Bệnh cơ xương khớp là tình trạng bị suy yếu chức năng của hệ thống cơ, các khớp, dây chằng, thần kinh và xương sống. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, ảnh hưởng nhiều đến khả năng lao động, sinh hoạt và chất lượng lượng cuộc sống của người bệnh.
CÁC BỆNH CƠ XƯƠNG KHỚP THƯỜNG GẶP
1. Thoái hóa khớp
Thoái hóa khớp là tình trạng mất cân bằng giữa tổng hợp và hủy hoại của sụn khớp và xương dưới sụn, lâu dần lớp sụn khớp sẽ bị mỏng và xù xì khiến khớp bị đau nhức mỗi khi vận động.
Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu do tuổi tác. Bên cạnh đó, các hoạt động cơ học tác động lên khớp thường xuyên do công việc, sinh hoạt… cũng thúc đẩy thoái hóa hóa khớp diễn ra sớm hơn.
Biểu hiện, triệu chứng thoái hóa khớp thường gặp nhất là đau, cứng khớp, sưng khớp, khớp bị biến dạng, hạn chế vận động.
Để phòng bệnh hiệu quả, người bệnh nên tập thể dục đều đặn mỗi ngày, kết hợp ăn uống điều hoà đủ chất dinh dưỡng, giảm đường, muối, mỡ trong khẩu phần ăn để tránh bị thừa cân, béo phì.
2. Viêm khớp
Viêm khớp là căn bệnh về xương khớp phổ biến có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Khi thấy các khớp có biểu hiện đau nhức, sưng tấy, nóng đỏ, người bệnh nên nghĩ ngay đến viêm khớp. Tần suất đau nhiều về đêm và gây khó ngủ, cứng khớp, ngoài ra bệnh nhân còn có dấu hiệu mệt mỏi, sốt, chán ăn…
Các hoạt động thể chất và các bài tập thể dục giúp cải thiện vận động khớp và giảm đau. Thay đổi chế độ ăn uống cũng giúp duy trì trọng lượng lý tưởng và giảm bớt áp lực lên các khớp.
3. Thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm là tình trạng xảy ra khi nhân nhầy của đĩa đệm cột sống chệch ra khỏi vị trí bình thường,xuyên qua dây chằng chèn ép vào các rễ thần kinh gây tê bì, đau nhức.
Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm do các yếu tố như: di truyền, tư thế sai trong lao động, vận động, thoái hóa tự nhiên... Ngoài ra, bị tai nạn, chấn thương cột sống cũng gây thoát vị đĩa đệm.
Tùy vào vị trí bị thoát vị mà triệu chứng nhận biết bệnh sẽ khác nhau, trong đó điển hình nhất là tình trạng đau nhức, tê chân tay, hạn chế khi vận động…
Điều trị thoát vị đĩa đệm trước hết bằng phương pháp bảo tồn, chủ yếu tránh những tư thế gây đau và giúp bệnh nhân tuân thủ kế hoạch luyện tập và dùng thuốc sẽ giúp bệnh nhân giảm triệu chứng trong thời gian ngắn. Nếu các biện pháp trên không giải quyết được triệu chứng trong vài tuần, bác sĩ có thể cân nhắc vật lý trị liệu.
Bác sĩ sẽ cân nhắc phương pháp phẫu thuật nếu điều trị bảo tồn không có tác dụng sau 6 tuần điều trị, đặc biệt khi bệnh nhân có những biểu hiện như yếu cơ, khó đứng, khó đi lại, mất kiểm soát cơ vòng.
4. Bệnh loãng xương
Bệnh loãng xương, hay còn gọi là bệnh giòn xương hoặc xốp xương, là hiện tượng xương liên tục mỏng dần và mật độ chất trong xương ngày càng thưa, điều này khiến xương giòn hơn, dễ tổn thương và dễ bị gãy dù chỉ bị chấn thương nhẹ.
Bệnh loãng xương tiến triển thầm lặng. Thông thường người bệnh chỉ cảm thấy đau mỏi người không rõ ràng, giảm dần chiều cao, gù vẹo cột sống - đây là những biểu hiện chỉ được phát hiện sau một thời gian dài. Nhiều trường hợp chỉ phát hiện khi có những biểu hiện gãy xương.
Tình trạng loãng xương sẽ càng trở nặng hơn khi về già. Do độ tuổi này, mật độ xương không đảm bảo đủ mức cho phép để bảo đảm xương cứng chắc như lúc ở tuổi trưởng thành.
Sử dụng đầy đủ canxi và vitamin D là yếu tố quan trọng trong việc giảm nguy cơ loãng xương. Việc thường xuyên thực hiện các bài tập giúp cơ thể tăng sức chịu lực nặng và các bài tập tăng cường cơ bắp cũng được khuyến khích để phòng ngừa bệnh loãng xương.
5. Bệnh Gout
Bệnh Gout là tình trạng viêm khớp do sự lắng đọng các tinh thể muối urat trong dịch khớp hặc mô. Nguyên nhân do axit uric tăng cao làm lắng đọng tinh thể urat tại khớp và mô mềm cạnh khớp gây ra tình trạng viêm ở khớp.
Bệnh thường gặp chủ yếu ở nam giới tuổi trung niên và số ít là nữ ở tuổi sau mãn kinh. Những người mắc bệnh tăng huyết áp, béo phì, hội chứng chuyển hóa, tăng insulin trong máu và sự đề kháng insulin, uống nhiều bia rượu… có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người bình thường.
Dấu hiệu nhận biết bệnh gout:
- Khớp đau đột ngột, dữ dội, sưng tấy và thường xảy ra vào sáng sớm
- Cảm thấy nóng và đau nghiêm trọng ở khớp khi đụng vào
- Khớp chuyển sang màu sưng đỏ
Người bị bệnh gout cần hạn chế tối đa các thực phẩm có lượng purin cao như nội tạng động vật, thịt bò, tôm, cua, ghẹ, thịt thú rừng, thịt gia cầm, các loại động vật có vỏ (sò, ốc, hến.....). Những thực phẩm này dễ làm tăng nguy cơ hình thành bệnh gout cấp tính.
- Một số loại rau không tốt cho người bệnh gout là rau bina, cải bắp, măng tây và nấm.
- Hạn chế chất béo trong khẩu phần ăn bằng cách chọn thịt nạc, gia cầm không ăn da và các sản phẩm sữa ít chất béo.
- Tránh các loại hoa quả chua, đồ lên men, các loại nấm, măng, giá đỗ trong thực đơn.
- Kiêng rượu bia và các chất kích thích như ớt, cà phê, hạt tiêu.
Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Nghệ An là bệnh viên chuyên khoa hạng II tuyến Tỉnh về Chấn thương chỉnh hình – Bỏng- Thần kinh sọ não cột sống – Phục hồi chức năng – Tạo hình thẩm mỹ. Khi bạn gặp những triệu chứng bệnh lý nêu trên, hãy đến Bệnh viện để được khám, tư vấn và điều trị.
Để được tư vấn cụ thể vui lòng liên hệ trực tiếp ThS.BS. Phan Thanh Tuấn - Trưởng khoa Khám bệnh - HSCC qua số điện thoại 0982 976667