Cùng với đứt các dây chằng vùng đầu gối, đứt gân gót Achilles cũng là một chấn thương hay gặp trong tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt và đặc biệt là khi chơi các môn thể thao cần phải chạy nhảy, di chuyển và có nguy cơ va chạm nhiều như đá bóng, cầu lông, tennis,… Đứt gân chân Achilles có thể điều trị bảo tồn bằng bó bột nếu người bệnh đến sớm và hai đầu gân đứt không tụt xa, tuy nhiên, phương pháp hiệu quả nhất để điều trị và giúp hồi phục khả năng vận động cho người bệnh chính là phẫu thuật. Vậy, cần lưu ý những gì cho một cuộc phẫu thuật nối gân Achilles?
Triệu chứng và dấu hiệu khi bị đứt gân Achilles
Nếu gân Achilles bị đứt, bạn sẽ nghe thấy một tiếng nổ hay tiếng “tách” ở gót chân, sau đó cảm nhận được cơn đau buốt ở mặt sau cổ chân và cẳng chân. Đồng thời, bạn không thể đi lại bình thường được nữa. Bên cạnh đó, các triệu chứng sau có thể cho biết bạn đã bị chấn thương:
- Đau nhói dữ dội ở bắp chân dưới;
- Sưng vùng bắp chân;
- Không thể đứng bằng đầu ngón chân của chân bị đứt gân gót;
- Đau khi cố di chuyển, rất đau nếu đi bằng ngón chân.
Trường hợp nào cần phẫu thuật nối gân?
Phẫu thuật nối gân Achilles là phương pháp hiệu quả nhất giúp chữa lành tổn thương gân. Song không phải trường hợp nào cũng cần phẫu thuật. Chỉ khi bị đứt/rách gân ở mức độ nặng (gân gót bị tổn thương hơn 50% bề dày của gân, phần gân lành lặn còn lại quá ít, không đủ lực để chịu sức nặng khi đi lại/vận động và dễ bị đứt về sau), bác sĩ mới chỉ định phẫu thuật. Còn trong các trường hợp sau, phẫu thuật chưa thực sự cần thiết:
- Gân bị đứt ở mức độ nhẹ (ít hơn 50% bề dày của gân), những đoạn cuối của gân có thể tự lành lại. Lúc này, bạn có thể uống thuốc giảm đau và bó bột trong một thời gian để ngăn chân cử động.
- Đứt gân Achilles đến sớm trong vòng 24h mà hai đầu gân đứt không tách xa nhau, có thể điều trị bằng bó bột.
- Bạn bị viêm gân mức độ nhẹ hoặc trung bình. Trường hợp này, bạn sẽ được khuyên nên để chân nghỉ ngơi, thường xuyên chườm đá lên vùng gót bị tổn thương, uống thuốc giảm đau, đồng thời sử dụng nẹp hoặc thiết bị khác để ngăn chân cử động. Vật lý trị liệu cũng có thể hữu ích. Nếu các triệu chứng viêm gân không cải thiện sau vài tháng, bác sĩ mới tính tới phương án phẫu thuật cho bạn.
Bên cạnh đó, nếu thuộc một trong nhóm đối tượng sau, bạn cũng cần được bác sĩ cân nhắc trước khi tiến hành phẫu thuật nối gân: Bệnh nhân tiểu đường lâu năm; Bị nhiễm trùng vùng da xung quanh gân gót; Không đủ sức khỏe thực hiện cuộc phẫu thuật;…
Khi gặp các dấu hiệu nêu trên, bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và tư vấn điều trị phù hợp.