1. Dị tật dính ngón bẩm sinh là gì?
Dị tật dính ngón tay bẩm sinh là tình trạng khi 2 hoặc nhiều hơn các ngón dính lại với nhau và không phân tách thành các ngón riêng biệt bình thường. Đây là dị tật dính xương và/hoặc phần mềm của các ngón tay liền kề nhau, có thể một hoặc nhiều ngón.
Hình thái của dị tật dính ngón tay rất đa dạng:
- Dính ngón không hoàn toàn: Dính 1 phần ngón bởi mô mềm
- Dính ngón hoàn toàn: Dính toàn bộ ngón tay bởi mô mềm
- Dính ngón hỗn hợp: Hoàn toàn và có dính cả phần xương đốt xa
- Dính ngón phức tạp: Hỗn hợp và có biến dạng xương, gân, dây chằng
Dị tật làm ảnh hưởng nhiều đến chức năng cầm nắm đồ vật của bàn tay, đặc biệt ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ cũng như tâm sinh lý của người bệnh.
2. Phương pháp điều trị dính ngón bẩm sinh
Về điều trị, cần phẫu thuật tách ngón để tạo điều kiện cho mỗi ngón hoạt động độc lập. Đối với trường hợp dính những ngón có chiều dài không bằng nhau, dính ngón có biến dạng trục của ngón thì phẫu thuật tách ngón kèm theo chỉnh trục mới mang lại hiệu quả về chức năng và thẩm mĩ, tránh biến dạng nặng sau này.
Theo thống kê của Upton J (1990), có tới 46 kỹ thuật giải phóng dính ngón khác nhau được mô tả trong 2 thế kỷ qua, nhưng kỹ thuật của Alain Gilbert (1990) được áp dụng phổ biến nhất. Nhìn chung, các kỹ thuật đều có chung đặc điểm:
- Thứ nhất, tạo kẽ nền ngón từ tổ chức tại chỗ hoặc mặt mu, hoặc mặt gan, hoặc phối hợp cả mặt mu và mặt gan;
- Thứ hai, chú ý tránh các đường rạch dọc ở mặt gan của vùng khớp liên đốt vì có nguy cơ gây sẹo co gấp ngón về sau, các đường rạch zích – zắc sẽ tránh được biến chứng này;
- Thứ ba, các vùng khuyết da khi tách ngón sẽ được ghép da dày toàn bộ, không ghép da mỏng.
Trước khi thực hiện phẫu thuật tách ngón, cần có một kế hoạch điều trị tổng thể cho cả bàn tay và trên hết là các ngón dính phải có đủ chất liệu để đảm bảo cho việc tách ngón. Khi dính nhiều ngón, nên tránh tách cả hai bờ bên của một ngón trong một lần phẫu thuật. Do tính chất phức tạp như vậy, phẫu thuật tách ngón càng đòi hỏi phẫu thuật viên phải chuyên khoa sâu, giàu kinh nghiệm, thực hiện ca mổ kéo dài để giảm thiểu những nguy cơ như: Hoại tử mảnh da ghép, hoại tử ngón tay sau phẫu thuật, tổn thương thần kinh ngón…
Nói chung, hầu hết các dị tật bẩm sinh có thể được điều trị bằng phẫu thuật để cải thiện chức năng và thẩm mỹ cho trẻ khuyết tật. Các chuyên gia khuyến cáo rằng, tất cả các dị tật đều cần được phát hiện và có kế hoạch điều trị sớm kịp thời bởi các chuyên gia, bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm. Nếu để lâu, sẽ càng khó điều trị và có thể xuất hiện biến chứng nặng nề, hệ luỵ lâu dài. Việc điều trị sớm kịp thời với kết quả tốt sẽ giúp bệnh nhi mau chóng hòa nhập sớm với cộng đồng, gia đình, xã hội để không ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ.
Ở Việt Nam, do không có kiến thức đầy đủ về bệnh và các phương pháp, mục đích điều trị dị tật này, bệnh nhân thường đến khám và điều trị muộn. Ở trẻ lớn thường mặc cảm, tự ti trước các khuyết tật khó che dấu trên cơ sở. Do vậy, với các trẻ có dị tật dính ngón ở bàn tay cần được khám và tư vấn kịp thời tại các bệnh viện chỉnh hình để có kế hoạch được phẫu thuật sớm. Độ tuổi phẫu thuật tách ngón cho trẻ tốt nhất là sau 18 tháng tuổi.
Hàng năm, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Nghệ An phẫu thuật điều trị cho nhiều trường hợp bị dị tật dính ngón tay bẩm sinh (cả trẻ em và người lớn) và đạt kết quả tốt, trả lại cuộc sống bình thường cho người bệnh.