Bàn chân khoèo: Nguyên nhân và triệu chứng 

Huyền Đậu
Bàn chân khoèo sơ sinh thường xuất hiện kèm với một số dị tật bẩm sinh khác hoặc có thể tồn tại một cách độc lập. Tỉ lệ của bàn chân khoèo sơ sinh được ước tính là khoảng 1/1000 trẻ sơ sinh.

Bàn chân khoèo là gì?

Bàn chân khoèo sơ sinh là một dị tật có thể bẩm sinh hoặc có thể xuất hiện sau khi trẻ bị bại liệt với đặc điểm nổi bật là bàn chân bị biến dạng, bàn chân bị cong vào bên trong thay vì hướng thẳng xuống như cấu trúc thông thường, khiến trẻ không thể đặt bàn chân lên mặt đất phẳng, gân gót có độ dài ngắn hơn so với những trẻ bình thường.

Mức độ nghiêm trọng của bàn chân khoèo được đánh giá dựa trên những dấu hiệu lâm sàng sau: độ cong của bờ ngoài bàn chân, nếp gấp ở mặt trong bàn chân, mức độ che phủ đầu xương sên, độ cứng khi nhón gót, độ hiển thị của gót chân. Ở từng mức độ sẽ có những cách điều trị khác nhau, từ nẹp cố định đến phẫu thuật cắt gân gót.

Nguyên nhân gây bàn chân khoèo

Nguyên nhân gây bệnh đến hiện nay vẫn chưa được xác định được chính xác. Tuy nhiên, những trường hợp trẻ bị bàn chân khoèo được cho là do áp lực bất thường từ bên trong tử cung. Những yếu tố có thể làm tăng áp lực tử cung, khiến trẻ bị khoèo bàn chân bao gồm:

  • Gen di truyền, gia đình từng có người thân bị bàn chân khoèo
  • Môi trường bên trong tử cung không an toàn do người mẹ sử dụng chất kích thích, mắc bệnh nhiễm trùng, nhiễm vi sinh…
  • Một số yếu số khác hiếm xảy ra như mẹ thực hiện chọc ối, bị đái tháo đường thai kỳ…
  • Vị trí sắp xếp của thai nhi trong bụng mẹ
  • Sự co kéo của màng ối
  • Dây rốn chèn ép bàn chân của thai nhi

Dấu hiệu bị dị tật bàn chân khoèo

Bàn chân khoèo có thể nhận biết đơn giản qua quan sát, một trong 2 chân của trẻ có tình trạng cong vào bên trong nghĩa là trẻ bị dị tật này. Bên cạnh đó, những dấu hiệu lâm sàng khác cũng có thể xảy ra đồng thời bao gồm:

  • Có nếp nhăn sâu trong lòng bàn chân
  • Bàn chân và bắp chân ngắn hơn bình thường
  • Cơ bắp chân bị bàn chân khoèo ngắn hơn bình
  • Vòm bàn chân cao bất thường
  • Cứng mắt cá chân
  • Kích thước của ngón chân cái ngắn hơn bình thường
  • Các cơ vùng cẳng chân có thể bị teo hoặc nặng hơn là liệt

Trẻ có bàn chân bị khoèo dù không gây đau đớn lúc nhỏ, nhưng cần phải được can thiệp điều trị sớm, khi tình trạng xương vẫn còn mềm, dễ dàng điều chỉnh bằng các phương pháp nội khoa. Điều trị nội khoa bàn chân khoèo ở người lớn trưởng thành sẽ không đem lại hiệu quả cao, thậm chí là không có hiệu quả vì lúc này xương đã cứng.

Khi trẻ có những dấu hiệu nêu trên, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn và điều trị kịp thời.

loading....