Dị tật ngón tay thừa 

Huyền Đậu
Dị tật thừa ngón tay (polydactyly) là tình trạng trẻ sinh ra có thêm một hoặc nhiều ngón tay, trong đó ngón tay thừa thường nhỏ và ngắn hơn các ngón còn lại. Đây là một trong những dạng bất thường các chi phổ biến nhất. Theo thống kê, có khoảng 1/500-1000 trẻ sơ sinh gặp phải hội chứng này và thường chỉ xuất hiện ở một bên tay. Các ngón thừa thường là một mô nhỏ, có xương mà không có khớp, rất hiếm khi có đủ các chức năng của một ngón tay bình thường.

Mặc dù dị tật không đe dọa đến tính mạng nhưng lại là dấu hiệu chỉ điểm của một số dị tật nghiêm trọng khác và gây giảm chất lượng cuộc sống.

PHÂN LOẠI: Được chia làm 3 loại:

Trước trục (Preaxial polydactyly): ngón cái sinh đôi

Trung tâm (central polydactyly): hiếm gặp, thừa các ngón ở giữa (ngón trỏ, giữa, nhẫn).

Sau trục (postaxial polydactyly): ngón út sinh đôi.

Trong đó,

Type A: là các trường hợp ngón thừa phát triển gần như hoặc như ngón bình thường

Type B: ngón thừa phát triển kém có thể chỉ là một nhú nhỏ hoặc thừa ngón nhỏ có cuống

PHẪU THUẬT

Nguyên tắc điều trị là phẫu thuật cắt bỏ ngón thừa, giữ lại ngón có chức năng tốt hơn, tận dụng tối đa tổ chức của ngón cắt bỏ để tạo hình nhằm mang lại hiệu quả cao nhất về giải phẫu, chức năng và thẩm mỹ. Khi cắt ngón thừa, chú ý tạo hình dây chằng bên của khớp mà khớp xương của ngón thừa có liên quan, đồng thời chỉnh trục chi để đảm bảo gân gấp và duỗi thẳng trục ngón. Phẫu thuật cắt bỏ được đặt ra với những trường hợp dị tật thừa ngón Type A. Khi phẫu thuật, ngón thừa sẽ được cắt bỏ và giữ lại các cấu trúc quan trọng.

Nên phẫu thuật điều trị vào thời điểm nào?

Về tuổi phẫu thuật, không có phác đồ chung nào về thời gian phẫu thuật cho tất cả dị tật thừa ngón. Nhưng tốt nhất nên điều trị càng sớm càng tốt vì nếu để lâu, sẽ càng khó điều trị và có thể xuất hiện biến chứng. Việc điều trị sớm kịp thời với kết quả tốt sẽ giúp bệnh nhi mau chóng hòa nhập sớm với cộng đồng, gia đình, xã hội để không ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ.

Cân nhắc các yếu tố sau về thời gian phẫu thuật

• Sau 6 tháng tuổi: giảm các nguy cơ về biến chứng gây mê.

• Ưu tiên các bệnh lý y khoa, ngoại khoa khác nếu có.

• Sự thay đổi kích thước bàn tay: Bàn tay sẽ to gấp đôi trong 2-2,5 năm đầu đời (quan trọng đối với các can thiệp vi phẫu)

• Xem xét sự trưởng thành của trẻ (hợp tác trong bất động và phục hồi chức năng sau mổ).

• Phục hồi chức năng bàn tay sớm giúp cho quá trình vận động sử dụng trong quá trình phát triển nhận thức.

• Một số trường hợp dị tật tiến triển gây biến dạng nặng dần theo độ tuổi của trẻ.

• Cân nhắc phẫu thuật trước độ tuổi trẻ đến trường (tránh sự tự ti của trẻ với bạn bè).

Trẻ có dị tật thừa ngón ở bàn tay cần được khám và tư vấn kịp thời tại các bệnh viện chuyên khoa chỉnh hình.

loading....