Phẫu thuật nối thành công bàn tay bị đứt rời
Ông Đậu Thái Đỉnh (67 tuổi) ở Hương Sơn, Hà Tĩnh bị tai nạn lao động gây đứt lìa hoàn toàn bàn tay. Đây là một tai nạn mà tỉ lệ thành công của phẫu thuật nối liền chi thể rất thấp.
Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Nghệ An tiếp nhận bệnh nhân 3 giờ sau khi sự việc xảy ra. Qua thăm khám, các bác sỹ đã tiến hành hội chẩn nhanh và quyết định thực hiện mổ cấp cứu nối liền bàn tay cho ông Đỉnh bằng kỹ thuật vi phẫu. Ca phẫu thuật được tiến hành bởi kíp mổ do bác sĩ Nguyễn Duy Quyết – phó trưởng khoa Chi Trên làm bác sĩ phẫu thuật chính. Ca phẫu thuật kéo dài 4 tiếng đồng hồ mang lại kết quả thành công tốt đẹp.
Bàn tay ông Đậu Thái Đỉnh bị đứt lìa được bác sĩ Nguyễn Duy Quyết chụp lại
Theo bác sĩ Nguyễn Duy Quyết, việc ghép nối thành công và phục hồi chức năng cho bệnh nhân sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với những trường hợp khác do bàn tay là nơi tập trung xương khớp, gân gấp, duỗi, động mạch, tĩnh mạch và các dây thần kinh... nên đòi hỏi nhiều sự tỉ mỉ và tinh tế hơn. Hơn nữa, bệnh nhân tuổi đã cao nên rất khó khăn trong quá trình khâu nối và phục hồi lưu thông mạch máu.
Việc chăm sóc sau hậu phẫu, chế độ dinh dưỡng và tập phục hồi chức năng với bệnh nhân sau phẫu thuật vi phẫu rất quan trọng. Sau 7 tháng điều trị tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Nghệ An; chức năng bàn tay sau nối của ông Đỉnh được phục hồi tốt, có thể sinh hoạt, cầm nắm các đồ vật và làm việc gần như bình thường.
Lưu ý khi xử lý chi thể bị đứt rời
Khi không may bị tai nạn gây đứt lìa một phần chi thể, người nhà bệnh nhân cần thực hiện sơ cứu và bảo quản chi thể theo các bước sau:
Sơ cứu vết thương: người thân thực hiện cầm máu mỏm cụt bằng băng ép, tránh sử dụng garo ở mức tối đa. Không được dùng panh kẹp để kẹp mạch máu vì sẽ làm giập nát, gây khó khăn cho phục hồi lưu thông mạch máu.
Bàn tay của bệnh nhân đã có thể cầm nắm, sinh hoạt bình thường sau phẫu thuật 7 tháng
Bảo quản chi thể: Bọc phần chi thể đứt rời lại bằng gạc hoặc vải sạch, cho vào túi nilon sạch buộc kín. Phía ngoài của túi nylon đó được đặt trong một túi nylon khác hay hộp đựng nước sạch. Với mục đích tránh phần chi tiếp xúc trực tiếp với đá và giữ cho nhiệt độ trong túi luôn ở nhiệt độ khoảng 4 °C . Sau đó, đưa tất cả vào trong hộp có chứa đá lạnh.
Sau khi sơ cứu bệnh nhân và bảo quản chi thể, vận chuyển bệnh nhân và phần chi bị đứt rời đến Bệnh viện càng sớm càng tốt.
Bác sĩ Quyết khuyến cáo: “Không để chi thể tiếp xúc trực tiếp với đá lạnh vì sẽ làm cho các tế bào bị chết (bỏng lạnh) và do vậy cho dù có nối lại thì chi cũng khó có thể sống được”. Bác sĩ cũng cho biết thời gian "cứu sống" lý tưởng với mô ở vùng bàn tay bị đứt là từ 6 giờ trở lại. Vì thế, sau khi sơ cứu và bảo quản chi thể, bệnh nhân cần được đưa đến Bệnh viện càng sớm càng tốt.
Vi phẫu thuật, nối ghép mạch máu, thần kinh, chi thể đứt rời được đánh giá là một kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi phẫu thuật viên phải có trình độ chuyên sâu, đôi tay thật khéo léo và sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các chuyên khoa. Bên cạnh đó, bác sĩ phẫu thuật còn phải am hiểu về quá trình đông máu, huyết động học, vi hình thái học của mạch máu nhỏ, các nhánh mạch tận cùng của mô để tránh các biến chứng có thể xảy đến trong quá trình phẫu thuật.
Tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Nghệ An; với các trang thiết bị y tế chuyên dụng cùng đội ngũ y bác sĩ được đào tạo bài bản, giàu kinh nghiệm và chuyên môn tốt cho phép khâu nối chính xác được các mạch máu nhỏ và các bó sợi thần kinh. Do vậy, việc nối lại các chi thể bị đứt rời có tỷ lệ thành công rất cao.
Nguồn: http://nghean24h.vn/