Trượt đốt sống, thoát vị đĩa đệm điều trị như thế nào?  

Huyền Đậu

Bệnh nhân Nguyễn Thị T. (53 tuổi) tại Nghi Thuỷ - TX Cửa Lò xuất hiện tình trạng đau cột sống thắt lưng đã lâu, được điều trị bằng Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng nhiều năm nay. Hiện tại, tình trạng đau tăng lên, đau tê dọc 2 chân, đi lại khó khăn, cơ lực 2 chân giảm. Sau khi tìm hiểu tham khảo nhiều đơn vị khác, chị T. được giới thiệu tới bệnh viện CTCHNA thăm khám và được chẩn đoán trượt đốt sống thắt lưng L5 độ III, thoát vị đĩa đệm L5S1  gây hẹp ống sống nặng, chèn ép rễ thần kinh L5 hai bên.

                                                                                                 Hình ảnh: Cộng hưởng từ và X Quang bệnh nhân trước phẫu thuật

Sau khi hội chẩn, bệnh nhân được chỉ đỉnh phẫu thuật cố định cột sống và hàn xương liên thân đốt lối sau qua lỗ liên hợp (TLIF). 4 ngày sau phẫu thuật, bệnh nhân đã có thể ngồi dậy, tập đi lại trong khung tập đi, triệu chứng lâm sàng đã giảm đi rõ rệt: không còn cảm giác đau lan dọc 2 chân, cảm giác 2 chân trở nên nhẹ nhàng hơn, chỉ còn đau nhẹ vết mổ.

   

                                                     Hình ảnh: X Quang bệnh nhân sau phẫu thuật hàn xương, nắn chỉnh cột sống

Trượt đốt sống là tình trạng đốt sống trượt ra trước hoặc ra sau so với đốt sống dưới. Tình trạng này khiến bênh nhân đau thắt lưng, đi đứng khó khăn và thường đau lan xuống một hoặc hai chân, gây nên tình trạng thoát vị đĩa đệm tại vị trí trượt đốt sống. Nếu để lâu không điều trị thì tình trạng trượt đốt sống và thoát vị đĩa đệm sẽ nặng thêm, gây yếu liệt, rối loạn đại tiểu tiện cho bệnh nhân.

Triệu chứng lâm sàng bao gồm:

Hội chứng cột sống:

- Đau thắt lưng, co cứng cơ cạnh sống, hạn chế vận động cột sống, đau tăng lên khi vận động…

- Dấu hiệu bậc thang ( + ): sờ vuốt dọc cột sống thấy cột sống có chỗ lồi ( Lõm)

- Có thể có kèm theo vẹo, gù cột sống kèm theo…

Hội chứng chèn ép rễ:

- Đau dọc theo rễ thần kinh chi phối, rối loạn cảm giác, Đau dọc theo rễ thần kinh thường được biểu hiện đau lan xuống mông, đùi, cẳng chân và bàn chân do thần kinh toạ bị chèn ép, đau tăng lên khi ho, hắt hơi.

- Teo cơ theo vùng phân bố của rễ thần kinh.

- Rối loạn đại tiểu tiện: bí tiểu, táo bón ( thường giai đoạn nặng, chèn ép chùm thần kinh đuôi ngựa…)

- Đi cách hồi: Bệnh nhân đi được quảng  đường ngắn sau đó bệnh nhân đau từ lưng, lan xuống chân, phải dừng lại nghỉ mới đi tiếp được, đây là dấu hiệu của trượt đốt sống gây hẹp ống sống ( phân biệt với cách hồi do các bệnh lý mạch máu)

Theo Wiltse – Newman, trượt đốt sống vùng thắt lưng – cùng được chia thành 6 loại:
1. Trượt đốt sống bẩm sinh

2. Trượt đốt sống do khuyết eo

3. Trượt đốt sống do thoái hóa

4. Trượt đốt sống do bệnh lý: ung thư, lao cột sống…

5. Trượt đốt sống do chấn thương

6. Trượt đốt sống sau phẫu thuật

**** Bệnh nhân bị trượt đốt sống được chỉ định mổ trong các trường hợp sau:

+ Trượt đốt sống đã được điều trị bảo tồn ít nhất 6 tuần và thường sau 6-12 tháng điều trị bảo tồn mà không giảm, ảnh hưởng sinh hoạt và lao động.

+ Bệnh nhân đau nhiều, không đáp ứng với các biện pháp nghỉ ngơi và dùng thuốc.
+ Trượt đốt sống gây các biến chứng: liệt vận động một hoặc hai chân, teo cơ, rối loạn cơ vòng bàng quang (bí tiểu).

+ Trượt đốt sống nặng, tiến triển do khuyết eo đốt sống ở trẻ nhỏ.

**** Phương pháp mổ

Đối với trượt đốt sống vùng thắt lưng – cùng, phẫu thuật nhằm 2 mục đích: giải phóng chèn ép thần kinh và làm vững cốt sống.

Có 3 vấn đề hết sức cơ bản trong phẫu thuật điều trị trượt đốt sống, giúp cuộc mổ thành công, đó là:

+ Giải phóng chèn ép thần kinh.

+ Cố định cột sống bằng dụng cụ thật vững chắc.

+ Tạo sự liền xương tốt sau phẫu thuật (hàn xương liên thân đốt, hàn xương lối bên…).

Hình ảnh: Hình ảnh 3D phẫu thuật TLIF

Cho tới nay, phương pháp phẫu thuật nắn chỉnh trượt, cố định cột sống bằng nẹp vít qua cuống, ghép xương liên thân đốt lối sau (sử dung Cage) được cho là hiệu quả nhất, áp dụng phổ biến nhất để điều trị trượt đốt sống thắt lưng.

Bệnh viện chấn thương chỉnh hình Nghệ An là một trong những cơ sở tiên phong thực hiện kỹ thuật này tại khu vực. Hàng năm, Bệnh viện phẫu thuật thành công cho hàng trăm bệnh nhân, đem lại kết quả rất tốt, tạo niềm tin bệnh nhân trên địa bàn Nghệ An và các tỉnh lân cận.

 

Để được thăm khám, tư vấn và điều trị các vấn đề về cột sống, thoát vị đĩa đệm…; vui lòng liên hệ:

Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Văn Biên – Trưởng khoa PTTK-SN-CS, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Nghệ An

Số điện thoại: 0983969115

 

 

 

loading....