Hàng trăm bệnh nhân được điều trị chấn thương cột sống tại BV Chấn thương Chỉnh hình Nghệ An 

Huyền Đậu
Suckhoedoisong.vn - Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chấn thương cột sống (CTCS) do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, ngã từ trên cao xuống gây vỡ, lún, xẹp đốt sống… Hàng năm, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình (CTCH) Nghệ An điều trị thành công, giúp hàng trăm bệnh nhân CTCS thoát khỏi tàn phế, trở lại cuộc sống bình thường.

Hàng trăm bệnh nhân được phẫu thuật

Bệnh nhân Trần Văn T, 59 tuổi, ở xã Thanh Long, huyện Thanh Chương, Nghệ An bị tai nạn giao thông dẫn đến chấn thương cột sống cổ. Sau khi bị tai nạn, bệnh nhân T được đưa vào sơ cứu tại tuyến dưới, sau đó được chuyển đến Bệnh viện CTCH Nghệ An để điều trị.

Các bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân Trần Văn T bằng phương pháp (ACDF) lấy nhân đệm, cố định cột sống cổ và hàn xương liên thân đốt sống cổ lối trước, giải ép thần kinh cho bệnh nhân

Tại đây, bệnh nhân T được thực hiện các chỉ định cận lâm sàng cần thiết… Hình ảnh trên phim chụp cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ (MRI) cho thấy bệnh nhân T bị chấn thương cột sống cổ: dập tủy cổ, gãy gai ngang C4 bên phải, thoát vị đĩa đệm C4C5 thể trung tâm gây hẹp ống sống. Những tổn thương trên đã dẫn đến tình trạng bệnh nhân bị đau nhiều cột sống cổ, tê buốt 2 tay, 2 bàn tay bị liệt hoàn toàn không cử động được.

Sau khi được hội chẩn, các bác sĩ Bệnh viện CTCH Nghệ An đã quyết định phẫu thuật bằng phương pháp lấy nhân đệm, cố định cột sống cổ và hàn xương liên thân đốt sống cổ lối trước (ACDF) để điều trị cho bệnh nhân.

Bác sĩ CKI Nguyễn Kim Đông, Khoa Phẫu thuật Thần kinh - sọ não - cột sống - Bệnh viện CTCH Nghệ An cho biết, bệnh nhân T bị chấn thương rất nặng, ngoài ra bệnh nhân còn bị đứt các dây chằng dọc trước cổ, nguy cơ tàn phế rất cao nên chúng tôi đã tiến hành phẫu thuật bằng phương pháp (ACDF) lấy nhân đệm, cố định cột sống cổ và hàn xương liên thân đốt sống cổ lối trước, giải ép thần kinh cho bệnh nhân; Sau mổ 1 ngày các triệu chứng tăng cảm giác đau tê ở vùng tay đã giảm hết, hai bàn tay đã có thể cử động được và đến nay, sau mổ 2 tuần, hai tay bệnh nhân đã phục hồi vận động bình thường, 2 tay đã dơ lên được, cầm nắm bình thường, tự xúc cơm ăn và đã đi lại bình thường.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Sau phẫu thuật các triệu chứng tăng cảm giác đau tê ở vùng tay của bệnh nhân T đã giảm hết, hai tay đã phục hồi vận động bình thường

Bệnh nhân Trần Văn T, cho biết: khi bị tai nạn giao thông 2 tay tôi bị tê liệt, không cử động được, đau buốt ngang cổ sau khi vào viện được các bác sĩ cho chụp chiếu và kết luận tôi bị chấn thương cột sống cổ, dập tủy, gãy gai ngang C4 bên phải, thoát vị đĩa đệm C4 C5. Tôi rất lo lắng và nghĩ là mình sẽ bị tàn phế suốt đời, nhưng nhờ các bác sĩ phẫu thuật đến nay tôi đã trở lại bình thường hai tay đã tự cầm bát đũa ăn cơm, cảm ơn các bác sĩ nhiều lắm.

Trường hợp của bệnh nhân Bùi Đình Tr, 41 tuổi, ở xã Nam Anh, huyện Nam Đàn (Nghệ An) do trèo cây, bị ngã từ độ cao 3m xuống đất, được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện CTCH Nghệ An trong tình trạng đau, hạn chế vận động cột sống thắt lưng, không thể tự ngồi dậy được.

Qua thăm khám và thực hiện các cận lâm sàng, qua hội chẩn bệnh nhân bị Chấn thương cột sống: Vỡ xẹp đốt sống L1 mất vững FE và được chỉ định phẫu thuật cố định cột sống bằng vít qua cuống. Ngay sau mổ bệnh nhân đỡ hẳn đau lưng, 3 ngày sau đó đã tập ngồi dậy đi lại được. Sau 10 ngày bệnh nhân phục hồi đi lại bình thường.

 

Sau phẫu thuật bệnh nhân Bùi Đình Tr đỡ hẳn đau lưng, 3 ngày sau đã tập ngồi dậy. Sau 10 ngày bệnh nhân đi lại bình thường.

Theo thống kê, hàng năm Bệnh viện CTCH Nghệ An đã tiếp nhận và phẫu thuật thành công cho hàng trăm bệnh nhân bị CTCS các loại, không để lại các di chứng, thoát khỏi tàn phế, trả lại cuộc sống bình thường cho người bệnh.

Nguyên nhân gây chấn thương cột sống

Có rất nhiều nguyên nhân gây nên chấn thương cốt sống, trong đó nguyên nhân hàng đầu là do tai nạn giao thông, tai nạn lao động như ngã từ trên cao xuống gây vỡ-lún-xẹp đốt sống, xẹp đốt sống do loãng xương…

Mức độ nghiêm trọng khi cột sống bị tổn thương

Cột sống có cấu tạo bởi nhiều đốt sống ghép lại, bên trong có ống sống chứa tủy sống. Cột sống đảm bảo hai chức năng chính: chức năng cơ học – cột sống là điểm tựa chịu sức nặng của toàn bộ cơ thể và chức năng thần kinh của tủy sống. Tủy sống là một bộ phận của hệ thần kinh trung ương tiếp nối với tiểu não và hành tủy để chi phối toàn bộ các chức năng vận động, cảm giác của cơ thể từ cổ trở xuống.

Vì là một xương lớn, phải chịu tải trọng cao nên cột sống rất dễ bị chấn thương và khi đã bị chấn thương thường ảnh hưởng rất lớn đến chức năng chịu tải cơ học cũng như chức năng thần kinh. Khi tủy sống đã bị thương tổn, khả năng bệnh nhân bị tàn phế sẽ rất cao như phải thở máy hoàn toàn, liệt tứ chi trong tổn thương tủy cổ, liệt hai chi dưới gây nên tàn phế cho người bệnh và phải ngồi xe lăn suốt đời...

Triệu chứng của chấn thương cột sống

Triệu chứng của chấn thương cột sống phụ thuộc mức độ và vị trí tổn thương.

Nếu tổn thương chỉ ở phần các đốt sống chưa ảnh hưởng tới tủy sống, triệu chứng chủ yếu là đau tại chỗ vùng bị tổn thương. Nếu đã có chèn ép hoặc tổn thương dây sống, các triệu chứng sẽ phụ thuộc phân đoạn tủy bị tổn thương.

Tổn thương các đốt sống cổ thường có triệu chứng khó thở do liệt cơ hô hấp (khám có thể thấy lồng ngực bệnh nhân di động rất kém hoặc có biểu hiện liệt cơ hoành), yếu hoặc liệt các cơ do phân đoạn tủy cổ chi phối (cơ hô hấp, chi trên, chi dưới), rối loạn cảm giác, rối loạn cơ tròn, mất phản xạ gân xương giai đoạn choáng tủy.

Tổn thương các đốt sống ngực cũng có các triệu chứng chung như rối loạn cơ tròn; dị cảm, yếu, liệt chi; đau nhưng khu vực bị tổn thương phía dưới thấp hơn. Tương tự như vậy, với tổn thương cột sống lưng, các biểu hiện chủ yếu là rối loạn cảm giác, yếu hoặc liệt hai chi dưới, rối loạn cơ tròn.

Một triệu chứng tương đối hay gặp trong chấn thương cột sống đã có chèn ép, tổn thương tủy sống đó là tụt huyết áp nhưng mạch lại chậm. Đây có thể là dấu hiệu được chú ý phát hiện sớm tổn thương cột sống trên lâm sàng.

Tuy nhiên, bản thân các dấu hiệu của chấn thương cột sống cũng đã khó phát hiện trên lâm sàng và điều này càng khó hơn trong điều kiện bệnh nhân bị tai nạn có nhiều tổn thương phối hợp, điều kiện sơ cứu nghèo nàn, sự rối loạn khi tai nạn xảy ra và người sơ cứu không phải đội cấp cứu chuyên nghiệp. Bác sĩ CKI Nguyễn Kim Đông, Khoa Phẫu thuật Thần kinh - sọ não - cột sống - Bệnh viện CTCH Nghệ An cho biết thêm.

Điều trị chấn thương cột sống

Có nhiều phương pháp điều trị CTCS, những trường hợp CTCS, gãy đốt sống, vỡ đốt sống chỉ làm mất vững, không chèn ép thần kinh thì có thể tiến hành mổ mở để bắt vít cố định cột sống; cố định cột sống bằng bắt vít qua da, can thiệp rất ít; bơm xi măng sinh học qua cuống đốt sống vào thân đốt sống để điều trị một số trường hợp bị gãy xẹp cột sống do loãng xương.

photo-1631846970487

Các trường hợp chấn thương cột sống cổ, các phẫu thuật viên phải áp dụng phương pháp mổ (ACDF).

Ngoài ra, những bệnh nhân bị chấn thương cột sống nặng có tổn thương thần kinh, có các biểu hiện đau tê chân, yếu liệt, rối loạn thần kinh vận động. Phương pháp điều trị chính là phẫu thuật bắt vít cố định cột sống, phải cắt xương để giải phóng chèn ép thần kinh.

Còn đối với các trường hợp chấn thương cột sống cổ, các phẫu thuật viên phải áp dụng phương pháp mổ (ACDF).

"Phẫu thuật ACDF là phương pháp phẫu thuật khó đòi hỏi phẫu thuật viên phải được đào tạo bài bản, trang thiết bị phòng mổ hiện đại. Đặc biệt, việc ứng dụng kính vi phẫu cho hình ảnh phóng đại rõ nét trong phẫu thuật ACDF giúp các phẫu thuật viên quan sát tốt trường giải phẫu, lấy đĩa đệm bị tổn thương, hàn, ghép xương mào chậu hoặc xương sinh học vào khoảng trống sau khi lấy đĩa đệm để định hình cột sống cổ thuận lợi hơn, kiểm soát tốt các tai biến, nẹp vít cố định chính xác giúp hạn chế hiện tượng lỏng, xô nẹp khi bệnh nhân vận động cổ." Bác sĩ CKI Nguyễn Kim Đông, cho hay.

Với phẫu thuật ACDF đang được ứng dụng thường quy tại Bệnh viện CTCH Nghệ An những người bệnh bị thoái hóa, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, liệt thần kinh tiến triển… sẽ được giải thoát khỏi những cơn đau dai dẳng, tránh được nguy cơ bại liệt, tàn phế và ngồi xe lăn suốt đời, cải thiện chất lượng vận động, sinh hoạt.

Phẫu thuật ACDF đang được ứng dụng thường quy tại Bệnh viện CTCH Nghệ An

điều trị cho bệnh nhân bị thoái hóa, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, liệt thần kinh tiến triển…

Nâng cao chất lượng điều trị

Trong những năm qua, với mục tiêu nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân, Bệnh viện CTCH Nghệ An đã tập trung đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại, đào tạo đội ngũ y bác sĩ chuyên môn cao cho Khoa Phẫu thuật Thần kinh - Sọ não - Cột sống. Đến nay, khoa đã và đang triển khai thường quy nhiều kỹ thuật điều trị mới, chuyên sâu; trong đó có các kỹ thuật mới điều trị bệnh lý cột sống như: Phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm bằng phẫu thuật ít xâm lấn, phẫu thuật cố định cột sống bằng bắt vít qua da; phẫu thuật thay đốt sống cổ trong trường hợp vỡ nát thân đốt sống cổ do chấn thương, phá hủy đốt sống do ung thư… bằng đường mổ cổ trước; phẫu thuật điều trị xẹp loãng xương bằng bơm xi măng qua da; phẫu thuật cố định cột sống bằng nẹp mềm liên cung sau…

Qua đó giúp cho bệnh nhân ở Nghệ An cũng như các tỉnh trong khu vực Bắc Trung bộ được hưởng các phương pháp điều trị hiệu quả ngay tại địa phương, rút ngắn thời gian nằm viện, không phải chuyển tuyến trên, tiết kiệm chi phí điều trị.

photo-1631846972851

Hàng năm bệnh viện tiếp nhận và phẫu thuật thành công cho hàng trăm bệnh nhân bị CTCS các loại, không để lại di chứng,

thoát khỏi tàn phế, trả lại cuộc sống bình thường cho người bệnh.

Những thành tựu kỹ thuật y tế chuyên sâu của Bệnh viện CTCH Nghệ An trong thời gian qua đã có những bước tiến khẳng định sự phát triển vượt bậc về chuyên môn, chất lượng khám chữa bệnh, khẳng định thương hiệu Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Nghệ An trong tỉnh và khu vực Bắc Trung bộ.

loading....