Phục hồi chức năng cẳng tay bi gãy bằng các biện pháp vận động trị liệu, vật lý trị liệu và thuốc để làm nhanh quá trình liền xương, cải thiện tầm vận động khớp khuỷu, khớp cổ tay. Phòng tránh các biến chứng teo cơ, cứng khớp khuỷu, khớp cổ tay,… ảnh hưởng tới sinh hoạt của trẻ.
1. Nguyên tắc điều trị và phục hồi chức năng
- Tạo điều kiện tốt nhất cho tiến trình liền xương
- Giảm sưng nề, giảm đau, chống rối loạn tuần hoàn, chống kết dính khớp, ngừa hội chứng đau vùng (hội chứng rối loạn dinh dưỡng giao cảm phản xạ-hội chứng Sudeck).
- Duy trì tầm vận động khớp, ngừa teo cơ.
- Phục hồi chức năng các hoạt động tinh tế bàn tay sau bất động
2. Các phương pháp và kỹ thuật, phục hồi chức năng
2.1. Giai đoạn bất động
- Mục đích: Giảm sưng, cải thiện tuần hoàn, chống teo cơ, duy trì tầm vận động và lực cơ khớp vai và các ngón tay.
- Phương pháp phục hồi chức năng:
+ Đặt tư thế đúng: nâng cao tay
+ Cử động tập các ngón tay
+ Co cơ tĩnh các cơ cánh tay và cẳng tay trong bột.
+ Chủ động tập có trợ giúp các cử động của khớp vai.
2.2. Giai đoạn sau bất động
- Mục đích: Giảm đau, giảm co thắt cơ, gia tăng tầm hoạt động khớp bị giới hạn, gia tăng sức mạnh cơ, phục hồi chức năng sinh hoạt.
- Phương pháp vật lý trị liệu:
+ Nhiệt: chườm ấm vùng cơ co thắt bằng hồng ngoại, Paraphin…
+ Điện xung, sóng siêu âm,…
- Phương pháp phục hồi chức năng:
+ Xoa bóp vùng bàn tay, cẳng tay
+ Áp dụng kỹ thuật giữ- nghỉ hoặc kéo dãn thụ động đối với các khớp bị giới hạn (cử động sấp ngửa cẳng tay phải tập nhẹ nhàng)
+ Tập chủ động có trợ giúp, đề kháng tuỳ theo lực cơ của người bệnh
+ Hoạt động trị liệu: cho trẻ chơi các trò chơi như ném bóng, bắt bóng, xếp hình,…
Tập phục hồi chức năng đặc biệt quan trọng đối với tiến trình hồi phục của bệnh nhân sau phẫu thuật hoặc chấn thương. Điều trị bằng phục hồi chức năng là một trong những phương pháp an toàn & hiệu quả cao trong việc đưa chức năng vận động của người bệnh về trạng thái ban đầu.